| Ít ai biết rằng tục đốt vàng mã có nguồn gốc không phải ở Việt Nam và Phật giáo cũng không có tục lệ này. | Không ai biết tục đốt tiền, vàng, hàng mã “âm phủ” có từ bao giờ nhưng chắc chắn nó đã bắt đầu từ xa xưa trong truyền thống tâm linh của các dân tộc Á Đông, trong đó có Việt Nam. Người xưa đốt vàng mã (tiền, vàng bằng giấy), hàng mã (quần áo, đồ dùng sinh hoạt bằng giấy...) với tấm lòng chân thành hướng về hương linh những người đã khuất. Nét tâm linh đó có cơ sở gắn liền với quan niệm “trần sao, âm vậy”, những người đã chết không phải đã “mất” mà họ vẫn tồn tại trong một thế giới đâu đó như vẫn còn sợi dây liên hệ vô hình với người đang sống. Tín ngưỡng đó cũng có tác dụng nhắc nhở con cháu nhớ về tổ tiên, “uống nước nhớ nguồn”. Như vậy, ý nghĩa sâu xa của tục đốt vàng mã, tự nó đã phản ánh tâm thức nhân sinh đáng trân trọng trong đời sống tinh thần người Việt. Tuy nhiên, không phải lúc nào tục đốt vàng mã cũng được sử dụng với ý nghĩa tích cực. Có những người vì “phú quý sinh lễ nghĩa”, hoặc vì mù quáng tin vào những “ông thầy, bà cốt” mà đã đốt không biết bao nhiêu tiền vàng kim ngân, vô số ngựa tía, thuyền rồng, kiệu vàng hay hình nhân thế mạng... để cúng tế, với một khát vọng ngây thơ rằng nhờ đó có thể thay đổi số phận hoặc hiện trạng cuộc sống của mình. Từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, đất nước chuyển mình trong nền kinh tế thị trường, thì tục đốt vàng mã “nở rộ” tràn lan đến mức đã trở thành một vấn đề xã hội đáng báo động. Người ta đã chứng kiến hàng nghìn người đầu năm đến "vay” Bà Chúa Kho (ở Bắc Ninh), rồi cuối năm chở hàng núi đồ vàng mã đến “trả nợ” và lễ tạ Bà. Nhưng họ biết đâu rằng Bà Chúa Kho là bậc nữ liệt trong huyền sử, với phẩm hạnh lớn nhất là sự chắt chiu, liêm khiết, đã giữ gìn kho quân lương vốn là mồ hôi nước mắt của nhân dân, góp phần quan trọng để đánh thắng kẻ thù xâm lược... thì không thể nào dễ dãi “cho vay” hoặc phù hộ cho những kẻ đem tiền của đốt đi phí hoài, vung vãi. Người ta cũng chứng kiến không ít kẻ lạnh lòng, dửng dưng với những số phận khốn khổ, éo le xung quanh mình; trong khi đó sẵn sàng tiêu tốn hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng sắm biệt thự, ô tô, máy bay, điện thoại đắt tiền bằng... giấy chỉ để đốt. Nếu nhìn vào một trường hợp cụ thể thì ta chỉ thấy xót xa cho một sự hoang phí, nhưng nếu nhìn vào một mùa lễ hội thì mới thấy được sự lãng phí khủng khiếp, nhức nhối thế nào. Những con số thống kê làm chúng ta phải giật mình. Mỗi năm, khoảng 50.000 tấn vàng mã đã được đốt trên cả nước, theo đó riêng Hà Nội khoảng 400 tỷ đồng - tiền thật đã bị đem đi “hóa vàng”. Số tiền đó đủ để 8.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng hoặc gia đình chính sách neo đơn có được ngôi nhà tình nghĩa, che mưa, che nắng. Số tiền đó đủ để xây hàng trăm cây cầu treo qua suối cho các cô, trò ở vùng sâu, vùng xa khỏi phải vật lộn giữa cái sống và chết trên đường tới trường. Số tiền đó đủ để hàng chục nghìn em nhỏ có thuốc để giành lại sự sống từ những căn bệnh hiểm nghèo... Như vậy, từ một tín ngưỡng, với cội nguồn tâm linh nhân văn, giờ đây cuốn theo cơn lốc “tác dụng phụ” của kinh tế thị trường, tục đốt vàng mã đang trở thành một vấn nạn xã hội đáng và nên bị phê phán, ngăn chặn. Đốt vàng mã thái quá là hủ tục, không chỉ tiêu tốn, lãng phí nguồn lực xã hội mà còn gây ra biết bao hệ lụy phức tạp như ô nhiễm môi trường, cháy nổ... làm mất trật tự an toàn xã hội. Lạm dụng đốt vàng mã là đốt đi những giá trị văn hóa truyền thống; đốt đi ý thức tiết kiệm chống lãng phí; đốt đi tinh thần thượng tôn pháp luật và quy tắc sinh hoạt cộng đồng... nghĩa là đốt đi những giá trị căn bản, tốt đẹp mà cả xã hội đang ra sức gây dựng, gìn giữ. Thiết nghĩ các cơ quan quản lý và mỗi người trong chúng ta cần quyết liệt vào cuộc ngăn chặn hủ tục này. Yến Linh
|