[Nhà đất] -Chồng con đi rồi ai lợp lại mái nhà cho tôi?

(Xây dựng) - Giữa trưa nắng hè cận kề ngày kỷ niệm 27/7, chúng tôi lên với Sông Đà lên với công trường thế kỷ một thời. Bên dòng sông ánh sáng, thành phố Hòa Bình giờ đây đã khang trang, đẹp hơn so với thời “Hậu Sông Đà” những dãy phố san sát, những ngôi nhà cao tầng đã mọc lên xóa dần hình ảnh công trường một thời với những dãy nhà cấp bốn mái proximang lụp xụp.

(Xây dựng) - Giữa trưa nắng hè cận kề ngày kỷ niệm 27/7, chúng tôi lên với Sông Đà lên với công trường thế kỷ một thời. Bên dòng sông ánh sáng, thành phố Hòa Bình giờ đây đã khang trang, đẹp hơn so với thời “Hậu Sông Đà” những dãy phố san sát, những ngôi nhà cao tầng đã mọc lên xóa dần hình ảnh công trường một thời với những dãy nhà cấp bốn mái proximang lụp xụp.


Ấy vậy mà khi tới phố Bà Đà, con ngõ nhỏ cắt ngang phố nhỏ yên bình ấn tượng nhất là căn nhà nhỏ của bà Vũ Thị Vân, sinh năm 1952, công nhân Sông Đà đã nghỉ hưu sinh sống tại Hòa Bình.

Khách đến nhà, bà Vân tiếp chúng tôi trên chiếc chiếu trơn giữa căn nhà chật hẹp, trống trơn cả những đồ dùng gia dụng đơn giản. tài sản có lẽ giá trị nhất là chiếc bàn thờ với ba bát hương luôn tỏa khói hôm sớm.


Nét mặt buồn và vết thời gian in đậm trên từng khóe mắt như đã nói lên một phần cuộc đời vất vả của bà. Những năm tháng tuổi trẻ, bà là công nhân bốc xếp tại nhà máy xi măng Sông Đà, đã từng đóng góp cho Hòa Bình với danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc do Nhà nước ghi nhận.

Yêu nghề yêu ngành Xây dựng bà kết hôn với chồng cũng là một công nhân xây dựng. Hai ông bà sinh được ba người con trai, vất vả nuôi dạy con cái trưởng thành, cuộc sống tưởng chừng như có lúc đè nặng qua sức với đôi vai nhỏ bé của người công nhân này.

Khi cậu con trai thứ hai mất vì bạo bệnh năm 2004, người mẹ nghèo đã một lần đau cắt và suy sụp, ấy vậy mà số phận lại một lần nữa cướp thêm cậu con trai đầu khi đang lao động tại công trình thủy điện Sơn La.


Vũ Văn Đức khi ấy đang tham gia thi công trên công trường xây dựng thủy điện Sơn La, tuổi xuân tràn đầy nhiệt huyết đam mê của em đã phải bỏ lại sau một tai nạn lao động.

Căn nhà nhỏ của người mẹ nghèo lại một lần thêm hoang vắng, lãnh lẽo khi chỉ 3 tháng sau khi con trai thứ hai mất vì tai nạn lao động, người chồng bao năm chia sẻ ngọt bùi của bà cũng ra đi đột ngột vì tai biến mạch máu não.

Bà Vân giọng trùng xuống khi kể với chúng tôi về những nỗi mất mát quá lớn: Thôi thì số phận bố con ông ấy không thương tôi, bỏ tôi lại giữa cuộc đời này!

Ông Trịnh Trung Chính, một đồng nghiệp lâu năm giờ sống trong tổ dân phố số 1 đường Bà Đà không khỏi bùi ngùi khi kể lại với chúng tôi: Hồi còn thanh niên, cô Vân là một lao động giỏi nhiều năm liền, cô đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc từ những năm thập kỷ 70 (thế kỷ XX) với nhiều sáng kiến của đội bốc xếp lò xi lô nhà máy xi măng Sông Đà. Một người phụ nữ yêu nghề hết lòng cho ngành Xây dựng nhưng cuộc đời lại chẳng xuôi chiều. Trong những hoàn cảnh khó khăn “Hậu Sông Đà” thì có lẽ cuộc đời cô là một hoàn cảnh hiếm gặp.


Trong số bà con lối xóm quay quần bên người mẹ bất hạnh này, ông Phạm Văn Cánh - Tổ trưởng tổ dân phố số 1 cũng cho biết: Chúng tôi luôn bên cô Vân gian nan hoạn nạn có nhau nhưng về kinh tế thì chẳng giúp gì được, bởi cuộc sống công nhân lao động xây dựng “ráo mồ hôi là hết tiền” nên cũng chỉ đủ ngọn ngằn cho cuộc sống hàng ngày.

Đứa con út còn lại của bà Vân tưởng chừng như là chỗ dựa tinh thần cuối cùng của người mẹ nghèo này cũng rất chăm chỉ, chịu thương chịu khó. Được Cty CP Sông Đà 7 nhận vào làm công nhân. Thật không may khi đang thi công Điện Biên cũng bị tai nạn lao động điện. May mắn sao anh giữ được mạng sống nhưng sức khỏe thì bị ảnh hưởng nhiều. Đau yếu triền miên khi trái gió chở trời.

Căn nhà cấp 4 chật hẹp tại Hòa Bình luôn ấm tình bà con hàng xóm nhưng lạnh lẽo khi gió lùa, mái tôn lợp hấp hơi giữ nắng hè làm cho vẻ mặt vốn đã khắc khổ của bà Vân dường như càng heo hắt hơn. Nhìn lên tấm bạt được căng chắn dột của nhà bà chúng tôi càng thấu hiểu có lẽ đây là hoàn cảnh mà chẳng ai muốn gặp.

Ba tấm ảnh thờ bên một bóng dáng hao gầy của người thợ, đồng nghiệp ngành Xây dựng cứ như ám ảnh mãi chúng tôi. Hy vọng của bà con chòm xóm là ngôi nhà cấp bốn của bà Vân sẽ được chung tay nâng cấp để bà yên tâm sống quãng đời còn lại giữa cộng đồng người thợ Sông Đà.

Mong ước ấy chắc chắn một ngày nào đó sẽ trở thành hiện thực bởi cộng đồng luôn bên bà, tình cảm sẻ chia đùm bọc của CNCNV trong ngành Xây dựng chắc chắn sẽ giúp vơi đi nỗi đau của người thợ Sông Đà này.

Chia tay bà vân cùng bà con xóm nhỏ, chúng tôi mong ước được trở lại cùng bà chứng kiến niềm vui khi ước nguyện nhỏ nhoi của bà sẽ được xem xét, hỗ trợ của các tập thể và cá nhân.

Lê Mỹ