[Giải trí -Vietnam Plus] - Cần một phố sách để giữ gìn văn hóa đọc của người Hà Nội

Lâu nay, khi nhắc đến việc mua, bán sách ở Hà Nội, người ta thường nhắc đến phố Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Hoàng Quốc Việt hay một vài những con phố nhỏ khác… Tất cả những những cửa hàng sách này đều mang tính tự phát hình thành, chỉ những người mua bán sách biết với nhau. Nó không phải như chợ hay siêu thị được chính quyền công nhận. Vậy nên chăng cần có một đường phố sách?


Đông đảo độc giả tham gia ngày hội sách và văn hóa đọc tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)


Điểm hẹn của văn hóa đọc

Hiện nay, ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có đường sách Nguyễn Huệ, Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, đây là những con đường mà các năm gần đây Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch để tổ chức đường sách.

Hàng năm, sau Tết Nguyên Đán, cứ đến thời điểm tổ chức là người dân Sài Gòn lại nô nức rủ nhau đi hội sách, họ đến đây không chỉ để ngắm sách, mua sách mà còn để cùng nhau chia sẻ những điều rất thiêng liêng về những nét văn hóa xung quanh sách - sản phẩm trí tuệ của loài người.

Bên cạnh đó, còn có những triển lãm sách, hội chợ sách đã được các nhà phát hành, nhà xuất bản tổ chức riêng lẻ ở khắp nơi trên cả nước cũng thu hút rất nhiều sự quan tâm của người yêu sách…

Ở Hà Nội thì sao? Chị Liên ở Tôn Đức Thắng cho biết: Cuối tuần chị và con trai thường đến cửa hàng sách Kim Đồng, con trai chị rất muốn đọc ở đó nhưng cửa hàng lại không có không gian để các cháu có thể đọc cũng như các phụ huynh có thể hướng dẫn cách chọn sách và cách đọc sách cho các cháu. Mà mua về nhà rồi thì rất vất vả để cho các cháu đọc sách vì ở nhà có nhiều các công việc nhà dành cho mẹ cũng như các phương tiện nghe nhìn khác hấp dẫn các cháu.

Không chỉ có các em nhỏ mà người lớn, ở tất cả các ngành nghề cũng đều cần có một không gian như một điểm hẹn của văn hóa đọc. Giáo sư sử học Lê Văn Lan đã nói: “Truyền thống đọc sách của ông cha ta đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đó không chỉ là nét đẹp tâm hồn của mỗi người mà còn là nét đẹp văn hóa của cả cộng đồng. Việc có một đường sách ở Thủ đô ngàn năm văn hiến như vậy sẽ mang một ý nghĩa vô cùng to lớn, đây là một lần nữa cứu cho Hà Nội nét đẹp văn hóa đọc, nét hào hoa thanh lịch của người Tràng An.”

Những cảm xúc về việc gìn giữ và có một địa điểm mang đậm nét văn hóa đọc của chị Liên và Giáo sư sử học Lê Văn Lan cũng là mong muốn chung của không ít người khi phóng viên tiếp xúc.

Địa chỉ của những thương hiệu uy tín và chất lượng

Có rất nhiều những ý kiến cho rằng “văn hóa đọc hiện nay đang xuống cấp.” Thực ra hoàn toàn không phải như vậy, độc giả ngày nay đọc với tốc độ có thể nói là “chóng mặt,” chỉ cần có Internet là đọc.

Bạn Nguyễn Anh Nguyên, sinh viên trường đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết ngày nào cũng phải đọc một cái gì đó. Còn bạn Mai, nhân viên văn phòng chia sẻ, “sau giờ ăn trưa mình đều tranh thủ lướt các trang báo online để đọc tin tức cũng như các cách làm đẹp và chăm sóc gia đình.”

Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao không đọc sách thì các bạn trẻ này đều lắc đầu và nói rằng không biết nên chọn sách gì, bởi thực sự ra hiệu sách giờ đây quá nhiều sách, nội dung thì “không biết đường nào mà lần.” Tên sách rất hấp dẫn, nhưng khi đọc thì nội dung chẳng có gì, đấy là chưa kể “râu ông nọ cắm cằm bà kia”… đây là một vấn đề vô cùng cam go đặt ra cho các nhà làm sách.


Đông đảo độc giả tham gia ngày hội sách và văn hóa đọc tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Trong tình hình nền kinh tế đang đầy biến động, các đơn vị ấn hành phải bươn trải để tồn tại nên đã xảy ra những tình trạng vô cùng đáng tiếc: sách làm ẩu, sai sót nhiều…

Sách là một sản phẩm văn hóa có thể nói là trường tồn, bởi vậy mà ai cũng muốn trong tủ sách gia đình mình có những cuốn sách không chỉ hay về nội dung mà phải có chất lượng tốt về hình thức. Đây là một việc cần làm ngay của các nhà làm sách, bởi chỉ có làm ra những sản phẩm tốt nhất thì mới có những khách hàng “trung thành” nhất và cũng tạo ra được thương hiệu uy tín và chất lượng bền vững.

Nếu ở đường sách Hà Nội quy tụ được những thương hiệu uy tín và chất lượng như vậy thì có lẽ không chỉ người Hà Nội mà tất cả những ai khi nói đến sách ở Việt Nam thì đều nhớ đến đường sách Hà Nội. Cho nên việc có một phố sách theo đúng nghĩa của nó là việc vô cùng bức thiết hiện nay khi mà Ngày sách Việt Nam (21/4) đang đến gần, việc quy hoạch phố sách theo hướng văn minh, lịch sự trên cơ sở gìn giữ bảo tồn nét văn hóa đọc truyền thống của người Tràng An là cần thiết.

Đây sẽ là tuyến phố tập trung được tất cả các ấn phẩm chất lượng cao, mang đậm dấu ấn tinh hoa Việt. Đó là một con phố như những con phố đã in sâu vào trong tiềm thức của người Hà Nội về những nét văn hóa truyền thống của dân tộc như phố ẩm thực Tống Duy Tân hay chỉ đơn giản phố tình yêu Nguyễn Du với hương hoa sữa nồng nàn mỗi độ thu về…

Tác giả Nguyễn Văn Học (báo Nhân Dân): Theo tôi, đến bây giờ các cơ quan chức năng mới bàn chuyện thành lập phố sách ở Hà Nội là hơi muộn. Hà Nội là trung tâm văn hóa, là “kho tri thức” của cả nước và đang có những “phố” sách như Đinh Lễ, Tràng Tiền tuy nhiên còn lộn xộn và chật chội. Cần phải có một phố sách thật sự, được quản lý chặt chẽ, khoa học, là nơi giao lưu văn hóa, nơi người đọc có cơ hội lựa chọn, trao đổi những cuốn sách hay. Từ đó cũng khơi dậy tinh thần đọc, văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân. Rất nhiều trường hợp bạn trẻ vô tình đi qua hiệu sách, rẽ vào mua sách về, rồi ngấu nghiến đọc, sau đó mới nhận ra mình… rất thích đọc sách. Bởi thế, Hà Nội nên thành lập vài phố sách chứ không chỉ một phố, nếu muốn thúc đẩy văn hóa đọc, nâng cao trình độ dân trí, trong đó phố Tràng Tiền hoàn toàn có thể là nơi tốt để thành lập phố sách.