Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói như vậy tại buổi đối thoại của các chuyên gia quốc tế với lãnh đạo các Ủy ban Quốc hội, Bộ Tài chính... về sửa đổi luật Ngân sách nhà nước ngày 20.8.
“Tới đây quan điểm quản lý sẽ quy định rõ trách nhiệm chi tiêu ngân sách, ông nào chi ông đó phải giải trình, phải chịu trách nhiệm. Không để tình trạng nhiều người chi, một mình Bộ trưởng Tài chính giải trình”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh. Kỷ luật tài chính lỏng lẻo Báo cáo về việc thực thi luật Ngân sách nhà nước (NSNN) - có hiệu lực từ 2002, ông Đỗ Việt Đức, Phó vụ trưởng Vụ NSNN cho biết, bình quân giai đoạn từ 2002 - 2013 thu ngân sách tăng 18%/năm; riêng năm 2013 tăng gấp 5,4 lần so với năm 2003. Nhờ thu nhiều nên chi đầu tư phát triển qua các năm cũng đều đặn tăng 13,5%/năm, chiếm khoảng 20% tổng mức đầu tư toàn xã hội. Trong giai đoạn này, ngân sách cũng đã dành ra được 700.000 tỉ đồng để cải cách tiền lương. Về nợ công hiện đang chiếm 56,2% GDP, so sánh chiến lược nợ công đến năm 2015 nợ công không quá 65% GDP, theo ông Đức mức hiện tại vẫn đảm bảo trong phạm vi an toàn.
Tuy nhiên, quản lý ngân sách trong những năm qua vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế. Cụ thể, nguồn thu chủ yếu đến từ dầu thô, xuất khẩu tổng cộng chiếm tới 40% thể hiện rõ sự phụ thuộc vào biến động của thị trường giá cả quốc tế. Bên cạnh đó, bội chi ngân sách còn cao, cách tính nợ công chưa đúng theo thông lệ quốc tế, không phản ánh hết những rủi ro. Tại hội nghị, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN kiến nghị VN cần phải tập trung vào những nguồn thu bền vững hơn, nơi cộng đồng doanh nghiệp (DN) làm ăn có hiệu quả để nộp thuế. Muốn vậy, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là giảm thời gian thủ tục nộp thuế từ mức hơn 800 giờ/năm xuống ít nhất được 50%. “Từ hơn 800 giờ phải giảm xuống thấp hơn, thấp hơn nữa. Ít nhất nếu tôi hiểu đúng thì phải giảm 50%. Đó là vấn đề cạnh tranh, tăng nguồn thu cho ngân sách. Khu vực tư nhân họ sẽ rất vui mừng nếu được nộp thuế đơn giản hơn, với những khoản nộp thuế minh bạch”, bà Kwakwa nhấn mạnh. Đại diện khác đến từ WB cũng lưu ý, VN cần phải siết lại kỷ luật chi tiêu tài chính khi mà tình trạng này hiện nay đang diễn ra khá lỏng lẻo và là nguyên nhân dẫn tới thâm hụt ngân sách, bội chi và nợ công tăng cao. “Cần thổi còi sẽ thổi ngay” Tiếp thu những khuyến nghị trên, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng hứa sẽ xem xét, nghiên cứu và bổ sung vào luật NSNN dự kiến được trình Quốc hội (QH) kỳ họp tháng 10 tới đây. Tuy nhiên, ông Dũng cũng than phiền về tình trạng đang diễn ra trong quản lý ngân sách hiện nay là một người tiêu tiền, một người chịu trách nhiệm. Bởi với hệ thống phân chia ngân sách ra nhiều cấp từ T.Ư đến địa phương thì trách nhiệm của ai phải xem xét rõ trong quy định của pháp luật có phân cấp, phân quyền hay không. Nếu ngân sách T.Ư thì Bộ Tài chính phải giải trình trước QH, còn ngân sách địa phương thì lãnh đạo địa phương đó phải giải trình; nếu do giám sát đầu tư không đúng theo kế hoạch phải thuộc trách nhiệm của Bộ KH-ĐT. “Không thể vơ hết vào Bộ trưởng Tài chính được. Tinh thần của chúng tôi mở ra theo hình thức khoán hết. Ông nào tiêu ngân sách ông đó chịu trách nhiệm giải trình cho công khai, minh bạch, còn ông tiêu mà ông khác giải trình là không được… Bộ trưởng Tài chính chỉ hướng dẫn, kiểm tra và thổi còi những “ông” nào làm sai”, ông Dũng bày tỏ. “Như thế mới đúng vai Bộ trưởng Tài chính, như thế mới minh bạch và trách nhiệm hơn nhiều. Khi nào cần thổi thì phải thổi thôi, đã hội nhập quốc tế thì phải theo thông lệ quốc tế, phải làm rõ trách niệm từng cơ quan cá nhân và từng vị trí”, ông Dũng nói và nhấn mạnh nếu không làm như vậy, không siết lại kỷ luật kỷ cương tài chính thì kỳ họp QH tới đại biểu chất vấn sẽ lại dồn hết lên đầu các bộ trưởng. Trao đổi với Thanh Niên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH Đinh Văn Nhã cũng báo động về tình trạng chi tiêu ngân sách vượt dự toán, vượt chỉ tiêu được giao nhưng không ai bị làm sao, không ai bị xử lý. Do đó ông đề nghị muốn siết gì thì cũng phải siết bằng chế tài. Hiện nay, luật NSNN năm 2002 không phải không có hình thức kỷ luật nhưng đáng tiếc lại không có chế tài nên thành ra lỏng lẻo, không nghiêm. “Do đó, dự thảo mới chúng tôi đang đề xuất phải đưa chế tài. Bộ Tài chính thì thấm thía nhiều rồi. Phải làm sao luật sắp tới quy định từng ông ra QH giải trình phải gắn với trách nhiệm và kỷ luật, xử lý rõ ràng”, ông Nhã nói. Cụ thể, theo ông Nhã tới đây thủ trưởng đơn vị, địa phương khi được giao, chế tài nếu chi vượt thì phải bị kiểm điểm, kỷ luật. Kể cả trường hợp không sử dụng hết dự toán được giao trong nhiều năm cũng cần kiến nghị QH yêu cầu Chính phủ cắt bớt, giảm ngân sách được giao. “Anh nào chi nhiều tiền mà vượt dự toán, vi phạm phải chịu trách nhiệm giải trình trước QH. Khi đó người dân sẽ kỷ luật lãnh đạo đó thông qua các đại biểu dân cử bỏ phiếu không tín nhiệm”, ông Nhã đề xuất.
Anh Vũ |