[Xã hội] -Giáo hội Phật giáo Việt Nam lấy làm tiếc về vụ chùa Bồ Đề

VOV.VN -Hòa thượng Thích Gia Quang: Giáo hội sẽ yêu cầu Phật giáo các địa phương rà soát việc nuôi dưỡng trẻ mồ côi, không nơi nương tựa.

Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự kiêm Trưởng ban Thông tin – Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết rất lấy làm tiếc về vụ việc vừa xảy ra ở chùa Bồ Đề.

Hòa thượng Thích Gia Quang ủng hộ sự vào cuộc kịp thời, minh bạch của các cơ quan chức năng, đồng thời cho biết: Giáo hội cũng sẽ yêu cầu Phật giáo các địa phương phối hợp với các ban ngành tiến hành rà soát việc nuôi dưỡng trẻ mồ côi, không nơi nương tựa.


Hòa thượng Thích Gia Quang
Theo hòa thượng Thích Gia Quang, ở miền Bắc hiện có chùa Bồ Đề - Hà Nội và chùa Thịnh Đại - Hà Nam. Ở TP HCM có chùa Hoằng Pháp và một số cơ sở thờ tự khác trên toàn quốc đang nuôi dưỡng các cháu.

Số lượng trẻ mồ côi được gửi đến đây ngày một đông với quan niệm cửa Phật từ bi.

Tuy nhiên, việc chăm sóc các cháu hiện nay chủ yếu mang tính tự phát. Giáo hội không phải là cơ quan chuyên môn nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn.

Trước thông tin cho rằng, chùa Bồ Đề không được phép nhận trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi, Hòa thượng Thích Gia Quang nói: “Nếu nói rằng, chùa không được phép nuôi dưỡng các cháu cũng không có văn bản nào của Nhà nước quy định. Nhà nước cũng khuyến khích các tôn giáo làm từ thiện, nhân đạo cho xã hội. Vì thế, nếu không có quy định chặt chẽ trong công tác nuôi dưỡng các cháu thì phải có hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho các tôn giáo, trong đó có phật giáo để chúng tôi thực hiện”.

Theo Giáo sư Đỗ Quang Hưng- Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Tôn giáo - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, về nguyên tắc, các hoạt động nhân đạo thuộc trách nhiệm của nhà nước hay còn gọi là an sinh xã hội.

Ở đất nước ta, do hoàn cảnh kinh tế và nhiều điều kiện khác, nhà nước còn khó khăn trong lĩnh vực này nên khuyến khích các tổ chức xã hội, tôn giáo cùng tham gia.

Tuy nhiên, khi đã phát triển cơ sở từ thiện, nhân đạo lớn như hiện nay, chẳng hạn như ở chùa Bồ Đề với hơn 100 cháu nhỏ thì 3 khó khăn nảy sinh:

Thứ nhất là tư cách pháp nhân.

Thứ hai là cơ sở vật chất, kỹ thuật.

Thứ ba là công tác quản lý và đội ngũ nhân viên mà phần lớn là không được đào tạo.

Rất ít cơ sở tôn giáo có một cô nhi viện độc lập, tách biệt với cơ sở thờ tự.

Từ thực tế trên, Giáo sư Đỗ Quang Hưng nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng, mô hình nuôi dưỡng trẻ như hiện nay phản ánh nỗ lực rất lớn của các tôn giáo nhưng về phương diện quản lý, nó như một chiếc áo quá khổ và nó phát đi một thông điệp xã hội rằng, Nhà nước cần phải có suy nghĩ và có chính sách thích ứng hơn để giải quyết vấn đề này. Ngược lại, phía các tổ chức tôn giáo cũng phải có những thay đổi nhất định về phương thức này”.

Trả lời câu hỏi của báo chí: “Không có chùa Bồ Đề, trẻ em sẽ đi về đâu?” ông Đặng Hoa Nam - Cục phó Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) nói: “Không có chùa Bồ Đề, trẻ em sẽ đi về các trung tâm bảo trợ xã hội do Nhà nước quản lý”.

Theo ông Nam: “Đặt câu hỏi đó chứng tỏ không hiểu chính sách của Nhà nước. Nói như thế có vẻ như Nhà nước vô trách nhiệm với các cháu quá”.

Chúng tôi không dám bình luận về câu trả lời của ông cục phó song rõ ràng, đã đến lúc, việc nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa cần một hành lang pháp lý rõ ràng hơn.

Công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần thực chất hơn. Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh đến quyền con người thay vì quyền công dân. Điều đó đồng nghĩa với việc, trẻ em từ khi sinh ra đã được Nhà nước bảo hộ quyền của chúng./.