[Thế giới] -Vì sao khủng bố dùng công dân Anh để hành quyết nhà báo Mỹ?

Tổ chức IS đã sử dụng đoạn video chặt đầu nhà báo Mỹ để gửi đi một thông điệp man rợ qua việc lựa chọn kẻ thực hiện vụ hành quyết.

Huy động tân binh, thúc đẩy hình ảnh Tay súng mặc bộ quần áo màu đen, kẻ sát hạt nhà báo James Foley trong đoạn video được IS tung lên mới đây, nói giọng Anh. Điều này cho thấy các phần tử khủng bố đang gia tăng việc sử dụng các phiến quân phương Tây để huy động các tân binh, làm các đối phương hoảng sợ và thúc đẩy hình ảnh của một lực lượng toàn cầu.
Kẻ hành quyết (áo đen) được tin có tên là John, một người Anh (ảnh chụp từ video)

Tay súng mặc đồ đen là nhân vật mới nhất trong hàng loạt các phần tử thánh chiến quốc tế - trong đó có các công dân Anh, Úc, Chechnya, Trung Quốc và Indonesia - xuất hiện trong video tuyên truyền cho tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

"Chúng muốn ám chỉ rằng chúng có sự hiện diện khắp thế giới, mạnh mẽ hơn nhiều so với thực tế", Charlie Cooper, một nhà nghiên cứu tại Quỹ Quilliam, một tổ chức nghiên cứu chống cực đoan của Anh, cho biết. "Điều đó cho thấy rằng mọi người khắp thế giới đang tập hợp thành hàng chục nghìn người để chiến đấu".

Giới chức Mỹ đã xác nhận đoạn video man rợ là có thật - một hành động nhằm trả đũa các cuộc không kích của Mỹ ở phía bắc Iraq. Tại Anh, cuộc điều tra tập trung vào kẻ tấn công đeo khăn trùm đầu. Thủ tướng Anh David Cameron cho biết người đàn ông nói giọng Anh trong đoạn video vẫn chưa được nhận dạng, nhưng "từ video chúng ta nhận thấy rằng ngày càng có khả năng đó là một công dân Anh".

Các nhà ngôn ngữ học đã miêu tả giọng nói của người đàn ông là của một người Anh ở London.

"Giọng anh ta giống như một người bản địa hoặc một người không phải bản địa nhưng sống ở London một thời gian dài", Dominic Watt, một nhà ngôn ngữ tại Đại học York, nhận định.

Còn giáo sư ngành ngữ âm học Jane Setter tại Đại học Reading cho hay người đàn ông nhiều khả năng được đào tạo tại Anh hoặc trong một hệ thống dựa trên hệ thống giáo dục của Anh.

"Họ rõ ràng muốn sử dụng một người nói tiếng Anh trôi chảy để đảm bảo rằng đoạn video được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của Mỹ", Peter Neumann, giám đốc Trung tâm nghiên cứu cực đoan quốc tế thuộc Đại học King's College London, nói.

"Một người Mỹ cũng là một ý tưởng hay, nhưng hiện chưa có nhiều tay súng Mỹ trong IS và nhóm này có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một người phù hợp tại nơi con tin James Foley bị giam giữ", ông Neumann nhận định. Cuộc nội chiến tại Syria, hiện đang ở năm thứ 4, đã thu hút hàng chục nghìn tay súng nước ngoài từ khắp thế giới. Theo các số liệu chính thức, vài trăm người từ Anh đã tới Syria đã tới Syria và một số người đã vượt biên giới Syria vào Iraq khi các phiến quân của IS mở rộng hoạt động. Pháp và Đức ước tính khoảng 1.300 công dân của hai nước này đã tham gia IS.

Shiraz Maher, một chuyên gia khác từ Trung tâm nghiên cứu cực đoan quốc tế, cho hay video hành quyết Foley là bằng chứng cho thấy các phần tử thánh chiến người Anh "nằm trong những thay súng tàn bạo nhất" tại Syria và Iraq.

"Chúng ta đã thấy các tay súng Anh hoạt động như những kẻ đánh bom tự sát và những kẻ hành hình", Maher nói.

Gia tăng khuynh hướng dùng người nước ngoài cho mục đích tuyên truyền Các phần tử cực đoan ngày càng có khuynh hướng sử dụng các nhân vật quốc tế cho các mục đích tuyên truyền.

Hồi tháng 6, IS đã tung ra một đoạn video quay cảnh các phiến quân Anh và Úc hô hào những người đồng hương gia nhập thánh chiến bạo lực cùng họ. Hồi tháng trước, một nhóm liên quan tới al-Qaeda tại Syria đã tung ra một đoạn video quay cảnh một công dân Mỹ tiến hành một vụ tấn công liều chết.

Một tay súng IS từ Úc đã đăng tải trên mạng xã hội Twitter bức ảnh chụp con trai 7 tuổi cầm phần đầu của một quân nhân Syria bị giết. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gọi bức ảnh là "một trong những hình chấn động, ghê tởm và kỳ cục nhất từng xuất hiện".

Một trong những chỉ huy cấp cao nhất của IS, thường xuất hiện trong các video trên mạng, là Omar al-Shishani, một người Chechnya.

Nigel Inkster, một chuyên gia về khủng bố tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), cho hay các video phải ánh một chiến lược truyền thông ngày càng tinh vi được thiết kế nhằm tiếp thêm động lực cho các tân binh và gửi tới phương Tây một thông điệp về "sự sợ hãi và nhận thức về điều không thể tránh khỏi".

Ông Inkster nói thêm, việc khoe khoang nhiều tay súng nước ngoài - đặc biệt là phương Tây - là để nói với các tân binh tiềm năng rằng IS là một "phong trào thành công... và nếu anh muốn trở thành một phần tử thánh chiến thì anh phải tham gia IS"./.