(ĐTCK) Không phải là chính sách hỗ trợ đầu tiên, song Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản, có hiệu lực từ đầu tuần này, được cộng đồng ngư dân và các địa phương đặc biệt mong đợi.
Trên thực tế, hiếm có nghị định nào mà từ khi hình thành chủ trương đến khi ban hành và có hiệu lực chỉ vỏn vẹn có vài tháng như Nghị định 67. Điều này cho thấy, Chính phủ quyết tâm rất cao trong việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, nâng cao đời sống người dân, khẳng định chủ quyền biển đảo. Việc hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép cũng sẽ góp phần thay đổi phương thức đánh bắt, định hình phương thức đánh bắt mới hiện đại, nâng cao giá trị sản lượng trên 2 triệu tấn thủy sản khai thác hàng năm từ biển. Không hỗ trợ ào ạt như trước, nghị định này tập trung vào những khâu trọng yếu, căn cơ nhất của ngành, với kỳ vọng mang lại sự đột phá. Theo đó, các chủ trương khuyến khích ngư dân đóng tàu sắt, chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ đã đồng bộ hơn, bắt đầu từ xây dựng hạ tầng cho khai thác hải sản, đến tín dụng, bảo hiểm… Song song với hỗ trợ đóng tàu cá vỏ thép, Chính phủ đặc biệt ưu tiên việc đóng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, bởi đây là yếu tố quan trọng mang lại hiệu quả cho hoạt động khai thác xa bờ. Riêng về chính sách tín dụng - vấn đề được ngư dân đặc biệt quan tâm - cũng có nhiều điểm khác biệt so với trước. Cụ thể, ngư dân vay vốn đóng tàu chỉ phải chịu mức lãi suất 1 - 3%/năm, hạn mức vay tới 70 - 95% giá trị con tàu, thời gian vay lên tới 11 năm. Điều đáng nói ở đây là chính sách mới không hỗ trợ vốn tràn lan như trước, mà quan hệ tín dụng giữa ngư dân và ngân hàng hoàn toàn là quan hệ thương mại, có nghĩa là ngư dân phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trả nợ, ngân hàng chịu hoàn toàn trách nhiệm đòi nợ, Nhà nước chỉ hỗ trợ về mặt lãi suất, hạn mức vay. Trên thực tế, việc “cho không” vốn từ trước đến nay đã chứng tỏ không hiệu quả. Trong khi đó, với đồng vốn đi vay, người dân có trách nhiệm hơn, có động lực hơn, phải tính toán để sử dụng vốn vay sao cho hiệu quả. Để giảm rủi ro, Chính phủ cũng đưa ra chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm cho thân tàu và thuyền viên, giúp ngư dân an lòng vươn khơi và ngân hàng cũng yên tâm giải ngân vốn. Hiện tại, 5 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đã sẵn sàng dành 14.000 tỷ đồng cho hỗ trợ phát triển thủy sản theo Nghị định 67. Với số vốn này, cùng vốn đối ứng của ngư dân, sẽ có hơn 2.000 tàu vỏ thép và hàng trăm tàu dịch vụ mới vươn khơi, tạo sức sống mới cho ngành thủy sản. Trong nỗ tạo tạo sự chuyển biến cho ngành thủy sản, chính quyền các địa phương cũng được huy động tham gia giúp ngân hàng giải ngân vốn thông qua việc xác nhận khả năng hoạt động cũng như năng lực tài chính các đối tượng vay. Một khi đã ký xác nhận, địa phương cũng phải có trách nhiệm giám sát dòng vốn, không thể lơ là như trước. Có thể nói, sự thận trọng và lựa chọn kỹ đối tượng vay là rất quan trọng, đảm bảo thực hiện thành công Nghị định. Một khi công tác thí điểm đạt được kết quả tốt, tạo được niềm tin cho ngư dân và ngân hàng, thì việc nhân rộng, mở rộng quy mô vốn hỗ trợ sẽ hoàn toàn khả thi. Rõ ràng, hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép, tàu khai thác dịch vụ là chủ trương lớn, song cũng không thể nôn nóng, vì vận hành các con tàu này đòi hỏi phải có những người có đủ chuyên môn, năng lực quản lý, năng lực tài chính. Với những bước đi thận trọng và chắc chắn của Chính phủ, hoàn toàn có thể kỳ vọng, Nghị định sẽ thành công, tạo sức đột phá cho ngành thủy sản. Theo Hà Tâmbaodautu.vn |