Nhằm giải quyết bài toán khó về vốn vay cho thanh niên nông thôn, đặc biệt là những thanh niên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, các cấp bộ đoàn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều sáng kiến, cách làm hay giúp đỡ thanh niên vươn lên ổn định cuộc sống, làm giàu cho gia đình, xã hội ngay trên mảnh đất quê hương.
Tiệm sửa chữa xe máy của gia đình anh Y Tô Nô Ktul luôn đông khách
Yêu thích nghề sửa chữa xe máy và đã được học nghề ở Trung tâm dạy nghề huyện Cư M’gar nhưng do hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn nên anh Y Tô Nô Ktul ở buôn Dray Xi, xã Ea Tar đành gác lại ước mơ mở tiệm sửa chữa xe máy. Chỉ đến khi được biết Hội LHTN huyện có Quỹ Khởi nghiệp hỗ trợ thanh niên khó khăn vay vốn phát triển kinh tế, anh Y Tô Nô mạnh dạn làm hồ sơ đăng ký và được hỗ trợ vay 20 triệu đồng không tính lãi. Có vốn, anh đã đầu tư mua máy móc và mở rộng quy mô tiệm sửa chữa của gia đình. Với tay nghề ngày càng cao và sự đầu tư quy mô, mỗi năm tiệm sửa xe mang về cho gia đình anh thu nhập gần 25 triệu đồng. Có thu nhập, anh đã mạnh dạn đầu tư thêm máy xát lúa, máy tuốt lúa phục vụ nhu cầu xay xát và thu hoạch của bà con. Anh còn tự mày mò học thêm nghề hàn cửa sắt phục vụ nhu cầu người dân. Cuộc sống gia đình anh Y Tô Nô ngày càng ổn định, chăm lo các con học hành đến nơi, đến chốn. Từ quê hương Thanh Hóa vào lập nghiệp ở thôn 1, xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar), sau một thời gian đi phụ làm nghề cắt đá hoa cương ở TP.Buôn Ma Thuột, anh Trần Văn Xuân nhận thấy nhu cầu sử dụng đá hoa cương làm bếp, cầu thang, trang trí nhà cửa, bàn ghế bằng đá của người dân ngày càng tăng nhưng lại không thể mở rộng sản xuất vì thiếu vốn. Chính vì thế, khi được Hội LHTN huyện hỗ trợ 20 triệu đồng không lãi suất trong vòng 2 năm, anh Xuân đã phần nào tháo gỡ được khó khăn về vốn. Anh mạnh dạn đầu tư mua thêm máy móc, thuê nhân công và đa dạng hóa các sản phẩm đá hoa cương. Hiện anh Xuân đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho một thanh niên người dân tộc thiểu số với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. Thu nhập từ thi công các công trình cộng với chăm sóc 3 sào cà phê mỗi năm mang lại cho gia đình anh trên 30 triệu đồng. "Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Quỹ khởi nghiệp mà gia đình tôi đã từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Với ưu thế vốn vay không tính lãi trong thời gian 2 năm, tới đây tôi sẽ mở rộng thêm quy mô cơ sở để đáp ứng nhu cầu sử dụng đá hoa cương của người dân”, anh Xuân khẳng định. Tính đến nay, Hội LHTN huyện Cư M’gar đã vận động gây quỹ khởi nghiệp hỗ trợ thanh niên khó khăn được 140 triệu đồng, từ số vốn này đã hỗ trợ cho 7 gia đình thanh niên trên địa bàn huyện đầu tư vào chăn nuôi, chăm sóc cà phê, kinh doanh sửa chữa xe máy, làm đá hoa cương có công ăn việc làm ổn định và vươn lên làm giàu. Anh Hoàng Xuân Việt, Bí thư Huyện Đoàn Cư M’gar chia sẻ: "Được vay vốn khởi nghiệp có ý nghĩa rất lớn đối với thanh niên nông thôn trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Với số tiền 20 triệu đồng, tuy chưa nhiều nhưng thật sự rất cần thiết để thanh niên nông thôn đưa ra những ý tưởng sản xuất, kinh doanh và vươn lên lập nghiệp”. Tuấn Anh |