[Giải trí ] -Họa sĩ Trần Lâm Bình: Từ nỗi ám ảnh… máy bay rơi

Thời gian qua, chứng kiến nhiều tai nạn máy bay trên thế giới và cả ở Việt Nam, cướp đi sự sống của hàng trăm con người, mỗi khi nhắc đến máy bay là họa sĩ trẻ Trần Lâm Bình lại thấy… sợ. Có lẽ cũng vì cái sự sợ, ám ảnh và xúc động ấy, Trần Lâm Bình đã đáp “chuyến bay nghệ thuật” về chính chủ đề tai nạn máy bay, thông qua các bức vẽ của mình.

Vì MH370 mà vẽ

Họa sĩ Trần Lâm Bình sinh năm 1982, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế và hiện nay đang làm giảng viên tại trường. Anh tham gia rất nhiều triển lãm lớn, nhỏ tại Việt Nam và đã mở triển lãm cá nhân sắp đặt những cánh cửa gỗ sơn son mang tên “Đóng” được giới mỹ thuật đánh giá cao.



“Máy bay” của Trần Lâm Bình

Bẵng đi thời gian dài không thấy xuất hiện, không công bố các tác phẩm mới hoặc tổ chức triển lãm, tham gia các sự kiện nghệ thuật đương đại cùng đồng nghiệp, thì ra mới đây Trần Lâm Bình cho biết đã và đang âm thầm vẽ những bức tranh về… sự cố máy bay rơi trên thế giới trong thời gian qua.

Trần Lâm Bình chia sẻ: “Ngày 8/3, cả thế giới bàng hoàng khi hay tin chuyến bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia gặp nạn. Tôi khi đó đang từ Sài Gòn về lại Huế để chuẩn bị tham gia một triển lãm trong khuôn khổ Festival Huế 2014”. Kể từ thời điểm đó, Trần Lâm Bình ngày nào cũng đọc báo, theo dõi thời sự để xem máy bay MH370 có xuất hiện lại chưa. Nhưng đến hiện tại, MH370 vẫn bặt vô âm tín và trở thành sự bí ẩn đối với ngành hàng không thế giới.

Theo Trần Lâm Bình, trên chuyến bay MH370 có 19 nghệ sĩ trong đoàn đại biểu của Trung Quốc tham dự Triển lãm hội họa “Red and Green Painting” ở Malaysia đang trên đường trở về quê hương và không may họ đã gặp nạn. “Đó là một mất mát lớn làm tôi xúc động và ám ảnh”, Trần Lâm Bình nói. Cũng bởi vì vậy, nhận thấy sự đồng cảm nên nhiều ngày sau đó, Trần Lâm Bình đã thổn thức và vẽ bức “Máy bay” kích thước 165 x 200cm bằng chất liệu Acrylic.

“Máy bay” của Trần Lâm Bình là một sự so sánh và liên tưởng đến sự ra đi không bao giờ trở về. Đầu chiếc máy bay là đầu con người, có những tâm trạng biểu cảm trên khuôn mặt về một cuộc hành trình mà họ không biết trước điều gì đang xảy ra, vô tư và vui vẻ. Trên thân máy bay là hai đôi cánh chim, tượng trưng cho sự tốt đẹp chắp cánh và cứu rỗi những linh hồn. Đối lập ở dưới là cặp chim sếu đầu đỏ - một loài chim cũng đang có nguy cơ “một bay không trở lại” - đang hướng về tổ ấm dưới một “gầm trời” đầy u ám.

Thêm nhiều “Máy bay”

Sau khi hoàn thành xong tác phẩm “Máy bay”, Trần Lâm Bình mang tranh về Sài Gòn và chưa kịp công bố, họa sĩ trẻ này theo dõi trên các phương tiện truyền thông thì biết liên tiếp có các vụ rơi máy bay ở Lào, Việt Nam, máy bay số hiệu MH17 của Malaysia gặp tai nạn tại Ukraine, rồi tới máy bay của Đài Loan, Algerie rơi do gặp thời tiết xấu, tiếp nữa là trực thăng rơi ở Ấn Độ, Italia…

“Tôi không hiểu sao lại trùng hợp như vậy. Tất cả cứ dồn dập và tự xâu chuỗi lại trong tôi một nội dung của dòng tranh đương đại về đề tài này. Tôi muốn vẽ để gửi gắm những cầu mong cho người xấu số sớm được siêu thoát và chia buồn với những người thân nạn nhân trên những chuyến máy bay gặp nạn”, Trần Lâm Bình xúc động nói.

Cũng bởi vì những nỗi ám ảnh xen lẫn xúc động, Trần Lâm Bình đã và đang vẽ dòng tranh máy bay ý niệm liên tưởng và khi chín muồi, có điều kiện Trần Lâm Bình sẽ xin giấy phép mở triển lãm. Đối với Trần Lâm Bình, khi đã có chất liệu, đề tài, kèm theo xúc cảm mãnh liệt, tâm hồn yêu và sống với nghệ thuật lại bùng cháy. Và cũng khi bị ám ảnh bởi một sự việc, hiện tượng nào đó, Trần Lâm Bình lại cầm cây cọ tung tẩy. “Tác phẩm do tôi sáng tác sẽ thay tôi cất lên tiếng nói ẩn sâu nơi trái tim”, Trần Lâm Bình tâm sự.

Họa sĩ trẻ này cho biết thêm, trong thời gian gần nhất, anh sẽ mang tác phẩm “Máy bay” vẽ sau khi biết máy bay MH370 của Malaysia mất tích hồi tháng 3 ra Hà Nội và chính anh sẽ trao lại “Máy bay” tới tay Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam. Trần Lâm Bình mong muốn chia sẻ những mất mát, đau thương mà người dân Malaysia đã và đang trải qua sau khi liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn hàng không thảm khốc trong năm 2014.

Họa sĩ người Huế gốc Quảng Bình này vẫn đang miệt mài đi trên hành trình sáng tạo nghệ thuật lấy ý tưởng từ những chiếc máy bay xấu số. Nhưng các sáng tác về máy bay của anh sẽ không có sự đớn đau, thảm khốc như hiện thực cuộc sống. Ở đó là những sẻ chia, đồng cảm và hướng đến điều tốt đẹp, nhân văn.

Bài và ảnh Phạm Quỳnh