[Sức khỏe ] -Chuyện lạ về "dị nhân tóc rồng" miền Tây, 70 năm không cắt tóc

(Khám phá) - Nếu đụng dao kéo vào mái tóc, cụ có thể bị ốm liệt giường và thậm chí là đe dọa tới tính mạng.


Cụ Nguyễn Văn Chiến (Tám Nhơn) với mái tóc dài hơn 3m. Ảnh TG

Điều kỳ lạ, những mái tóc này xoắn vào nhau một cách tự nhiên. Không may để mái tóc chạm nước, chủ nhân sẽ bị ốm liệt giường; còn dùng kéo cắt bỏ một lọn tóc, lập tức họ sẽ bị ngất xỉu. PV báo GĐ&XH Cuối tuần đã tìm gặp những người đang sở hữu bộ “tóc rồng” bí ẩn này để tìm hiểu rõ thực hư sự việc.

Tóc dài 3m, cứ cắt là ngất xỉu

Người có mái tóc kỳ lạ đó là cụ ông Nguyễn Văn Chiến (hay còn gọi là Tám Nhơn, 87 tuổi), trú ấp Dầu, xã Đông Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Khi được “mục sở thị” bộ tóc của cụ, ai cũng phải ngạc nhiên vì diện mạo của cụ rất “khác người”, với mái tóc tựa như thân rồng quấn trên đầu. Điều đặc biệt, dù đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng trông cụ Chiến còn khá rắn rỏi. Cụ dẫn chúng tôi đến một cái am nhỏ rộng chừng 15m2 rồi cười hiền bảo: “Tôi sống một mình ở đây đã mấy chục năm nay. Nơi này yên tĩnh, rất phù hợp để ăn chay niệm Phật và an dưỡng tuổi già”. Được biết, cụ Chiến còn có 2 người em trai là cụ Nguyễn Văn Dày (đã qua đời) và Nguyễn Văn Tiên, cả hai người này cũng đều có “tóc rồng”. Tuy nhiên, trong 3 anh em thì tóc cụ Tám Nhơn dài và ấn tượng nhất.


Chân dung ba anh em “tóc rồng”. Ảnh TG

Với bộ dạng khác người này, cụ Tám Nhơn luôn gây sự tò mò cho những người đối diện. Mỗi lần có khách đến nhà muốn xem tóc, cụ Tám chẳng ngần ngại tháo chiếc khăn vải trùm trên đầu mình. Theo quan sát của chúng tôi, mái tóc cụ quả thật rất khác lạ. Đó là vô số những sợi tóc vàng óng ánh xen lẫn các sợi bạc bện chặt như dây thừng, kết dính lại với nhau như đổ keo chẳng khác nào những vảy rồng nhỏ dần về phía đuôi tóc. Qua 70 năm không cắt, không gội, mái tóc này hiện đã dài 3m, nặng ngót nghét 3kg.

Cụ ông hài hước cho biết, sở thích từ nhỏ của mình là để tóc dài. Năm 17 tuổi, tóc của cụ đã có thể tết được thành búi. “Quan niệm của gia đình tôi là da thịt, râu tóc cha mẹ sinh sao thì sẽ để vậy nên tóc để dài chứ không được cắt theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Mãi đến khi đi học nghe thầy cô khuyên, tôi về nhà xin phép cha mẹ mới đi cắt tóc. Tuy nhiên lúc này, sự lạ đã xảy ra. Sau khi cắt tóc, tôi thường xuyên bị đau đầu như búa bổ, cơ thể ốm yếu triền miên. Dù được gia đình chạy chữa thuốc thang nhưng bệnh tình không chút thuyên chuyển. Sức khỏe không đảm bảo nên chuyện học hành của tôi cũng đành dang dở”.

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Vân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Hòa cho biết: “Gia đình cụ Tám Nhơn thời xưa rất nghèo, cha mẹ phải đi làm tá điền cho nhà địa chủ trong ấp. Bản thân ba anh em cụ từ nhỏ đã phải cạo đầu “ba giá” để phụ giúp cha mẹ. Năm lên 10 tuổi, cả ba đều kế tục truyền thống gia đình là để tóc dài thờ cha mẹ theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Không những thế, dù tuổi đã cao nhưng cụ Tám Nhơn vẫn sống hết mình vì đạo. Cụ chỉ làm điều thiện, thường ra đường giao thông nông thôn gom rác, thu vén các chướng ngại vật nằm trên đường để tránh tai nạn”.

Kể từ lúc tạm ngưng việc học, cụ Tám Nhơn để tóc mọc dài như trước. Và khi mái tóc dài ra, căn bệnh đau đầu, cảm cúm triền miên của cụ cũng tự dưng khỏi hẳn. Từ đó đến nay, cụ không bao giờ dám đụng dao kéo đến mái tóc của mình nữa vì lo sợ sẽ lại ốm. Mái tóc ngày càng dài ra được cụ bới cẩn thận trong cái chụp đầu bằng vải, vừa để bảo vệ tóc vừa không cho người khác nhìn thấy mái tóc khác thường. Dù phải đội trên đầu 3kg tóc suốt mấy chục năm trời nhưng những lúc đi làm ngoài ruộng vườn, cụ đều cảm thấy bình thường bởi tóc đuôi rồng đã thành một phần máu thịt trên cơ thể cụ.

Góp thêm vào câu chuyện của cha, chị Nguyễn Thị Bích Thủy (51 tuổi, con gái cụ) cho hay: “Trước đây, vì muốn gội đầu được dễ dàng, ba tôi thường tháo gỡ các sợi tóc rời ra. Nhưng mỗi lần như thế, ông cụ lại bị nhức đầu, chóng mặt. Từ đó, ba không dám tháo gỡ tóc ra mà cứ để nguyên như vậy”. Đặc biệt, khi tắm gội làm ướt toàn bộ phần đầu và đuôi tóc, cụ Tám Nhơn lập tức bị cảm lạnh và mái tóc thì phải mất cả ngày hong, sấy mới khô. Hơn 30 năm qua, mỗi khi tắm, cụ chỉ cho ướt phần da đầu bên dưới.

Còn cái “đuôi rồng”, cụ cẩn thận giữ chặt, giơ cao lên trên không cho nhúng nước. Mặc dù vậy, phần đuôi tóc của cụ ông này vẫn không có mùi hôi hay côn trùng đeo bám mà hoàn toàn sạch sẽ. “Mỗi tuần một lần, tôi lại qua am giúp cha tắm giặt. Ngày mẹ còn sống thì có bà giúp đỡ nhưng từ khi cụ bà mất đi, tôi phải làm việc đó. Bởi nếu một mình cha thì không thể nào vừa giữ tóc vừa tắm được vì mái tóc quá dài và nặng”, chị Thủy kể lại.

Tuy nhiên, mái tóc đuôi rồng này cũng từng đem đến cho cụ không ít phiền hà. Cụ Tám Nhơn chia sẻ: “Thời gian đầu, khi tóc mới bị bết lại tôi cũng cảm thấy rất khó chịu, vướng víu trên đầu. Cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, trên đầu như thể đội đá. Hàng xóm xung quanh dị nghị, chúng tôi không phải là người bình thường. Nhưng tất cả dần dần rồi cũng quen”. Nét mặt hồng hào khỏe mạnh, cụ Tám giải thích: “Theo quan niệm của những người có niềm tin đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa chúng tôi, việc nuôi tóc là cách để giữ lễ nghĩa hiếu với cha mẹ. Nếu cắt tóc đi coi như là bất hiếu và không thể tránh khỏi bị đấng “bề trên” trách phạt. Có lẽ vì thế, mỗi lần cắt bỏ tóc, chúng tôi đều bị ốm yếu hoặc ngất xỉu”.

Hiện tại, cụ Chiến có 7 người con. Trong số đó, ông Nguyễn Văn Lượm và bà Nguyễn Thị Bích Thủy đều có gene thừa hưởng từ cha, tóc dài hơn 1m. Cả hai đều tu tại gia, riêng bà Thủy đã hơn 50 tuổi nhưng vẫn chưa lập gia đình.

“Tóc rồng”liên quan đến trường thọ?


Cái am nhỏ mà cụ Tiên sinh sống hiện nay. Ảnh TG

Không chỉ có mái tóc mà nếp sống của cụ Tám Nhơn cũng vô cùng khác thường. Cụ cho biết: “Mỗi ngày, tôi chỉ ăn vào một giờ duy nhất là lúc chính Ngọ (12h trưa). Tôi ăn uống không nhiều và vì ăn chay trường nên cuộc sống rất thanh tịnh”. Giống như cụ Tám, người em trai cũng ăn chay trường. Ăn rất ít nhưng các cụ vẫn làm việc mà không thấy mệt mỏi.

Bên cạnh đó, tinh thần và thể chất của các cụ luôn rất khỏe mạnh, lạc quan. Điều đáng nói, cả ba anh em cụ gần như từ nhỏ đến lớn chưa ai phải đi bệnh viện. Giờ đây, tuy đã gần bước sang tuổi 90 nhưng sức khỏe của cụ Tám ít ai theo kịp. Hôm tìm tới thăm nhà, để theo kịp được cụ, chúng tôi phải “vừa đi vừa chạy”. Không chỉ có sức khỏe dẻo dai, đôi mắt cụ còn nhìn khá rõ. Cụ không cần đeo kính vẫn có thể đọc báo, viết sách, xâu kim, may vá như người bình thường dưới ngọn đèn dầu leo lét. Hàng ngày, cụ Tám đều dành thời gian ngồi dưới gốc tre già trước am tu khổ hạnh bất kể mưa nắng. Những lúc rảnh rỗi, cụ lại cặm cụi chăm sóc từng cây trái, luống rau xanh trước nhà. Cụ ông hóm hỉnh: “Tôi chỉ ăn rau tự trồng thôi vì sản phẩm tự tay mình làm ra vừa sạch sẽ mà lại an toàn”.


Thuyền nhỏ, nơi cụ Tám Nhơn tu hành bấy lâu.

Ông Lê Văn Vân, Chủ tịch Hội nông dân xã Đông Hòa cũng là bạn thân hữu của cụ Tám Nhơn, khẳng định: “Những chuyện kỳ lạ xung quanh mái “tóc rồng” của cụ Tám Nhơn là hoàn toàn có thật. Rất nhiều điều bí ẩn mà đến nay ít ai lý giải nổi. Tuy khác biệt về ngoại hình cũng như các sinh hoạt vì quan niệm tu theo đạo Hiếu Nghĩa nhưng cụ Tám Nhơn vẫn thường làm việc thiện nguyện và sống rất hòa đồng với bà con lối xóm”.

Còn nói về sức khỏe và mái tóc khác người, cụ Tám Nhơn luôn cho rằng, giữa hai yếu tố có mối liên hệ mật thiết nào đó. Bởi thực tế, tóc càng dài thì cụ càng khỏe. Tuy nhiên, nếu dại dột đụng dao kéo, cụ sẽ lập tức ốm liệt giường, thậm chí mạng sống bị đe dọa. Cụ Chiến vui vẻ chia sẻ: “Thấy ba anh em tôi nuôi tóc dài mà sống thọ nên nhiều người đến hỏi bí quyết lắm. Mục đích của chúng tôi để tóc dài là nhớ ơn, trả nghĩa với mẹ cha. Từ nhỏ, chúng tôi sống chay tịnh, gần gũi với thiên nhiên, không ham mê vật chất, danh lợi. Chúng tôi sống và làm nhiều việc thiện nên tinh thần thoải mái. Đó mới là điều quyết định cho sự trường thọ”.

Cụ Tám nên đi khám

Lý giải về hiện tượng không cắt tóc vì sợ đổ bệnh của anh em cụ Tám Nhơn, bác sĩ Ngô Hữu Lộc, chuyên gia nghiên cứu các bệnh lạ tại TP.HCM cho biết: “Hiện tại cắt tóc xong thì bị bệnh là một hiện tượng lạ. Bởi vì bình thường, cắt tóc không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Mặt khác, hiện tượng sợ cắt tóc chỉ mới có duy nhất trong truyền thuyết của Hy Lạp. Hiện tượng này chưa hề có ngoài đời thực. Tuy nhiên, người đàn ông hơn 70 năm sợ cắt tóc nói trên cũng có thể là do tâm lý nhiều hơn. Trong trường hợp này, người bệnh cần đi khám ở một bác sĩ nội tổng quát để biết rõ nguyên nhân và có cách chữa trị”.