[Nhà đất] -Chủ đầu tư “tay không bắt giặc”

TT - “Đến 31-7-2014, chủ đầu tư dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia phải có đầy đủ vốn chủ sở hữu, hợp đồng tín dụng và chuyển đủ tiền để giải phóng mặt bằng.


Công nhân thi công trên công trường hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia Ảnh: Nguyên Linh

Nếu không sẽ giải tán chủ đầu tư!”. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ra “tối hậu thư” như vậy ngay khi kiểm tra tại công trường.

Công trình hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia trên quốc lộ 1 (đoạn qua huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) khởi công ngày 18-5-2013 với tổng kinh phí đầu tư gần 1.800 tỉ đồng, do Công ty cổ phần đầu tư Phước Tượng - Phú Gia BOT trúng thầu đầu tư theo hình thức BOT; dự kiến hoàn thành trong vòng 18 tháng, tuy nhiên sau hơn một năm thi công, hầm dài 447m mới chỉ khoan được... 8m.

Cấm hai tư vấn giám sát đấu thầu dự án giao thông

Bộ GTVT vừa có quyết định cấm tham gia đấu thầu về tư vấn giám sát các dự án trong ngành GTVT đối với hai đơn vị là Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng công trình 747 và chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 10 - Xí nghiệp tư vấn thiết kế. Thời gian cấm là 18 tháng. Lý do: hai doanh nghiệp này vi phạm trong công tác giám sát chất lượng, tiến độ của dự án và thực hiện hợp đồng trong dự án đường nối thị xã Vị Thanh - TP Cần Thơ (đoạn qua tỉnh Hậu Giang).

Bộ GTVT cũng mới có công văn yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ GTVT lưu ý thận trọng xem xét đánh giá năng lực khi tham gia chỉ định thầu và đấu thầu các dự án trong ngành đối với các nhà thầu: Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông Hậu Giang, Công ty cổ phần Traco Hậu Giang, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng hạ tầng Alphanam (nhà thầu xây lắp), Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Cần Thơ (tư vấn giám sát), Công ty TNHH Giao thông vận tải (đơn vị thẩm tra), Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng & kiểm định 584, Công ty cổ phần Nam Cường, Công ty cổ phần kỹ thuật Mê Công, Công ty cổ phần Tư vấn & kiểm định xây dựng Cotesco, Công ty cổ phần Kiểm định xây dựng Hậu Giang, Công ty TNHH Xây dựng CTGT 481 (đơn vị thí nghiệm).

TUẤN PHÙNG

Tại hiện trường thi công hầm đường bộ Phú Gia, ông Đậu Phi Khanh - giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Lũng Lô 9 (nhà thầu thi công) - báo cáo với bộ trưởng tình hình thi công chậm tiến độ do đơn vị chưa được bàn giao mặt bằng. Cụ thể, mặt bằng thi công ở cửa phía nam chưa được đền bù giải phóng, còn ở cửa phía bắc thì mặt bằng chưa bàn giao đầy đủ. Ngay lập tức, Bộ trưởng Đinh La Thăng mời ông Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch UBND huyện Phú Lộc và ông Phạm Công Hưng, tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Phước Tượng - Phú Gia BOT (chủ đầu tư), đến chất vấn tại hiện trường. Ông Hà nói chủ đầu tư chưa có tiền nên chưa phê duyệt tiền bồi thường cho dân. Ông Hưng lại cho rằng huyện phải gửi văn bản phê duyệt giá trị, phương án bồi thường lên chủ đầu tư mới có cơ sở để chuyển tiền.

Sau khi nghe hai bên trình bày, Bộ trưởng Thăng truy: “Huyện nói do chủ đầu tư, chủ đầu tư nói do huyện, vậy là thế nào? Các ông chơi trò con gà và quả trứng à?”. Ông Hà lý giải: “Dự án hầm Phú Gia làm ảnh hưởng 95 hộ, phải tái định cư 17 hộ, với tổng giá trị đền bù 17 tỉ đồng, chưa chuyển đồng nào, chưa biết có triển khai được hay không. Riêng hầm Phước Tượng phê duyệt trị giá bồi thường 5 tỉ đồng tiền giải phóng mặt bằng cho người dân, nhưng mãi đến ngày hôm qua chủ đầu tư mới chuyển 2 tỉ đồng. Nếu phê duyệt mà không có tiền thì dân kiện tôi chết”. Bộ trưởng lập tức “vặn” ông Hưng: “Anh biết tôi vào kiểm tra nên chuyển 2 tỉ đồng để đối phó chứ gì. Giờ có tiền hay không, nói thẳng ra đi. Có 5 tỉ bạc mà các ông không thực hiện được thì tiền đâu mà triển khai dự án, lại còn đổ lỗi cho địa phương? Nửa tháng trước các ông hứa vài ngày nữa sẽ có tiền vậy mà đến giờ vẫn chưa có, sao tôi tin cho được. Cứ nói thẳng là không có tiền. Ông khoe với tôi có nhà đất mấy trăm tỉ, vậy đất nhà mấy trăm tỉ có bán để lấy tiền làm hầm không?”

Khi ông Thăng yêu cầu xem hợp đồng tín dụng thì ông Hưng nói hợp đồng đang ở TP.HCM. Ông Thăng nói: “Tôi nói lại, tất cả các dự án trên quốc lộ 1 không có chỗ cho chuyện tay không bắt giặc. Tôi đã nói rất nhiều lần rồi, ông có thể tay không đi bắt giặc ở chỗ khác, chứ ở đây đừng bao giờ”. Ông Thăng gọi ông Nguyễn Danh Huy - vụ trưởng, trưởng Ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (Bộ Giao thông vận tải) - đến và nói: “Không nghe chủ đầu tư hứa nữa. Hạn cuối là 31-7-2014, chủ đầu tư phải chứng minh đầy đủ năng lực tài chính, như có đủ vốn sở hữu, hợp đồng tín dụng và chuyển đủ tiền bồi thường mặt bằng. Nếu ông Huy còn “cơi nới” là tôi sẽ thay ông trước. Không thể kéo dài tình trạng chậm tiến độ mãi. Giờ ông Huy phải cam kết, chủ đầu tư có đủ năng lực triển khai dự án, nếu không thì ông Huy là người phải chịu trách nhiệm”.

Buổi chiều cùng ngày, Bộ trưởng Đinh La Thăng trở lại kiểm tra chất lượng tuyến đường tránh TP Huế theo đúng lời hứa hôm 10-7. Sau khi kiểm tra hết tuyến đường tránh TP Huế dài 36km, ông Thăng đánh giá công tác giặm vá, sửa chữa những vết hằn lún tương đối tốt, tuy nhiên còn một số đoạn vẫn chưa hoàn thành nên yêu cầu các nhà thầu phải làm xong trước ngày 31-7. “Tuyến đường này vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề, do đó tôi đề nghị các nhà thầu phải bảo hành tuyến đường tránh TP Huế thêm hai năm nữa” - ông Thăng nói.

Ông Nguyễn Văn Huyện, tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN - cho biết Thừa Thiên - Huế là địa phương có nhiều xe quá tải, “xe vua” hoạt động. Trong một thời gian dài cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh quản lý xe quá tải chưa chặt chẽ, làm chưa hết trách nhiệm, có dấu hiệu của “lợi ích nhóm”. “Lần này chúng tôi dùng lực lượng của Bộ Giao thông vận tải để tiến hành thanh tra, kiểm tra xe quá tải để không bị ảnh hưởng quan hệ các quan chức cấp tỉnh. Chúng tôi làm chủ yếu đột xuất, bí mật ghi hình những xe quá tải để xử lý. Chúng tôi đã nắm hết được các tỉnh có bao nhiêu xe “hổ vồ”, xe siêu tải, bắt chủ đầu tư ký cam kết không sử dụng loại xe này chở vật liệu xây dựng các công trình giao thông, nếu vi phạm hai lần sẽ chấm dứt hợp đồng” - ông Huyện nhấn mạnh.

NGUYÊN LINH