TTO - Tại khu vực tư vấn nhóm ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, thương mại, luật... trong buổi chiều 16-2 nhiều học sinh quan tâm đến chuyện các trường tổ chức thi riêng kỳ thi tuyển sinh năm nay.
Có mặt tại khu vực này, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cho biết Quy chế chính thức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 sẽ được Bộ GD-ĐT ban hành sau ngày 20-2. Năm nay có một số điểm mới liên quan trực tiếp đến thí sinh. Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường.
Hiện nay đã có hơn 50 trường trình đề án cho Bộ GD-ĐT và đang chờ bộ duyệt các đề án này. Sau đó, các trường hoàn thiện đề án này để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi “ba chung” như năm 2013. Một số học sinh băn khoăn đang dự định thi khối A vào hai ngành ở hai trường khác nhau. Trong đó một trường tổ chức tuyển sinh riêng và một trường tuyển sinh theo “ba chung”. Nếu hai trường này tổ chức thi cùng một ngày thì làm sao thí sinh có thể thi được. Và nếu thí sinh dự thi ở trường tổ chức thi “ba chung” có được xét tuyển ở trường tổ chức thi. Vấn đề chính sách ưu tiên về đối tượng trong kỳ thi tuyển sinh năm nay sẽ không thay đổi so với năm ngoái. Nhưng điều chỉnh về mức độ ưu tiên, trong đó đáng chú ý đối với học sinh dân tộc ở vùng khó khăn được cộng 2 điểm và học sinh dân tộc ở thành phố chỉ được cộng 1 điểm. Một học sinh thắc mắc muốn làm việc tại ngân hàng, giao dịch khách hàng thì nên học ngành nào sau đây kế toán, kiểm toán, quản trị kinh doanh hay marketing. TS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tư vấn: “Đối với các bạn làm bộ phận chăm sóc khách hàng, bạn có thế chọn chuyên ngành của cả bốn ngành bạn nói. Ví dụ như ngành tín dụng của ngân hàng, marketing cũng có thế chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, bạn nên tập trung vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Vì ngành này sẽ được đạo tạo chung, cung cấp kiến thức đại cương mang tính chất nền tảng, sau đó đi chuyên sâu vào 1 ngành”.
TS Phan Ngọc Minh, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM tư vấn thêm khâu chăm sóc khách hàng, hầu như nằm trong tất cả các hoạt động của ngành ngân hàng như: quan hệ khách hàng cá nhân, quan hệ khách hàng giao dịch, kế toán cũng có mảng giao dịch… Chỉ có ngành kiểm toán thì công việc nó mang tính sổ sách, ít tiếp xúc với khách hàng hơn. “Trong nội dung đào tạo, các trường sẽ lồng ghép các kỹ năng mềm để rèn luyện cho em, tự em tích lũy kỹ năng cho bản thân góp phần thực hiện tốt công việc chuyên môn của mình”- thầy Minh chia sẻ. Nhiều học sinh quan tâm tới cơ hội việc làm của ngành quản trị kinh doanh, có học sinh yêu thích ngành này nhưng sợ gặp khó khăn trong khâu tìm việc sau này. ThS Lâm Tường Thoại (ĐHQG TP.HCM) tư vấn: “Trong quản trị kinh doanh có nhiều chuyên ngành nhỏ, cơ hội việc làm sẽ tương tự như những ngành chuyên sâu. Mục tiêu chính của ngành là hoạch định, tổ chức, lên kế hoạch, quản lý con người và công việc kinh doanh. Tuy nhiên, có một phân ngành nhỏ là quản trị kinh doanh tổng hợp, tất cả những thứ gì tồn tại thuộc về con người, công việc kinh doanh sẽ được nằm trong nội dung đào tạo của ngành. Vì thế, khi mình đi xin việc cơ hội việc làm nó sẽ thấp hơn những ngành chuyên sâu. Hiện nay, những ngành nghề thường tuyển sinh viên học quản trị kinh doanh như trợ lý giám đốc, quản lý sản phẩm, buôn bán. Tố chất cần thiết: có đầu óc tổ chức, mạo hiểm, có khả năng giải quyết rủi ro…” Bên cạnh đó, những thông tin về ngành marketing cũng được khá nhiều học sinh quan tâm. ThS Hứa Minh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – marketing liên tục giải đáp thắc mắc của học sinh. Theo thầy Tuấn marketing là làm việc người sản xuất ra sản phẩm và người tiêu dùng sản phẩm biết nhau. Nó gắn kết người sản xuất và người tiêu dùng lại với nhau thông qua các hoạt động marketing. Năm 2007 đánh dấu việc hội nhập của VN vào nền kinh tế quốc tế. Để sản phẩm của chúng ta ngày càng phổ biến trên thế giới, được nhiều người biết đến thì hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh quốc tế phải phát triển. Marketing gắn bó mật thiết với 2 hoạt động trên, giúp cho kinh tế ngày càng phát triển. “Vì thế nếu em học tốt, gắn bó chuyên ngành của mình với công việc, sản phẩm có nhu cầu hướng ra thế giới thì chúng hoàn toàn có mối quan hệ mật thiết với nhau”- thầy Tuấn nói. TRẦN HUỲNH – MỸ DUYÊN |